Hiện nay, nhiều người cho rằng những cục pin sử dụng trong các thiết bị điện tử chỉ là vật dụng nhỏ bé vô hại. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, các viên pin này trở thành phế thải, nếu không thu gom, xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và nguy hại đáng kể đến sức khỏe cộng đồng.
Sau khi sử dụng, các viên pin được liệt kê vào danh mục rác thải độc hại. Theo thống kê của Chi cục Môi trường Hà Nội, hiện nay trong mỗi gia đình có khoảng 10-15 thiết bị điện tử có sử dụng pin. Vì vậy, số lượng pin đã qua sử dụng hằng ngày thải ra môi trường khá lớn. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, người dân có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chung vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, và kết thúc số phận của chúng bằng hai phương pháp: Chôn lấp hoặc đốt.
Nghiên cứu của Viện Khoa học môi trường và Phát triển (Bộ TN&MT) cho thấy, cả hai phương pháp trên đều tác động xấu đến môi trường. Khi chôn lấp pin, các kim loại nặng như: Chì, kẽm, niken và thủy ngân có trong pin sẽ thấm vào đất, nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc của pin đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí. Lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm… Khi con người hấp thụ qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay bình quân mỗi ngày, người dân Hà Nội thải ra hơn 5.400 tấn rác sinh hoạt và hơn 100 tấn rác thải nguy hại, trong đó có rác thải từ pin, ắc quy, cao su, nhựa… Nhưng các doanh nghiệp chỉ thu gom, phân loại và xử lý được khoảng 60-65 tấn/ngày, còn lại lẫn trong rác thải sinh hoạt ra môi trường.
Tác hại của rác thải từ pin đối với sức khỏe và môi trường đã rõ, song hiện nay phần lớn người dân chưa có ý thức phân loại rác thải độc hại tại nguồn. Anh Nguyễn Sỹ Tính, ở quận Hà Đông thừa nhận, từ trước đến nay, pin đồng hồ, điều khiển ti vi, điều hòa… hết giá trị sử dụng anh đều bỏ chung với rác thải sinh hoạt mà chưa ý thức được đây chính là một trong những hành vi gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Còn ông Cấn Văn Khoa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường quận Hà Đông cho rằng: Do lượng rác thải độc hại không có thường xuyên nên người dân chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Hơn nữa, có phân loại, người dân cũng không nắm rõ ngày, giờ đơn vị nào chịu trách nhiệm về thu gom và xử lý loại rác thải nguy hại này. Vì thế, ông Cấn Văn Khoa đề xuất: Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng việc hình thành thói quen phân loại rác thải nguy hại ngay tại nguồn; xử phạt nghiêm những trường hợp xả chất thải nguy hại bừa bãi ra môi trường.
Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân tái chế chất thải nguy hại, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về lâu dài, chính quyền cần đầu tư lắp đặt dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải hiện đại, khép kín để xử lý tận gốc chất thải nguy hại từ pin, ắc quy, vỏ bao thuốc trừ sâu…; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thu mua, tái sử dụng phế thải độc hại… có như vậy sẽ góp phần cải thiện môi trường sinh thái xanh – sạch – đẹp.
Vậy nên những dòng pin có thể tái chế, độ an toàn cao và thân thiện với môi trường. Những dòng pin micro karaoke được sở hữu những tính năng đặc biệt bảo vệ môi trường, tiết kiệm giá thành. Có thể sạc đầy cho lần sử dụng tiếp theo.