Trên thị trường luôn có những bộ dàn âm thanh đa năng, nhưng rất khó để tìm ra một cặp loa vừa nghe nhạc hay, lại hát karaoke tốt.

 Rất nhiều người có nhu cầu vừa nghe nhạc vừa hát karaoke trên cùng một bộ dàn. Thực ra, vẫn có thể kết hợp được, nhưng để chọn ra được 1 hệ thống tối ưu cả 2 mục đích này, TOPSOUND khó có thể đưa ra lời khuyên chính xác. Điều quan trọng vẫn là cân đối được nhu cầu xem phim hay nghe nhạc nên được ưu tiên hơn, tùy vào tần suất sử dụng hệ thống vào mục đích nào.

Có thể nói, điểm chung duy nhất và lớn nhất của loa nghe nhạc và hát karaoke là thường sử dụng mô hình âm thanh 2.0 hoặc 2.1. Song thực sự, 2 dòng sản phẩm này lại khác biệt rất rõ ràng ở từng chi tiết.

 

phòng loa hát karaoke

 

Đầu tiên, hãy nhìn vào mô hình để thấy được sự khác biệt cơ bản nhất:

 

Hát karaoke                                 : Nghe nhạc

Đầu karaoke vi tính hoặc đầu DVD : Đầu CD hoặc DAC

Ampli đa kênh                                 : Ampli stereo

Loa karaoke                                 : Loa stereo

Micro chất lượng tốt                         : Dây tín hiệu và nguồn chất lượng tốt

Subwoofer (không bắt buộc)         : Subwoofer (không bắt buộc)


Phân biệt về loa

Đi về chi tiết, người chơi cũng có thể phân biệt dễ dàng hệ thống loa hát karaoke hoặc nghe nhạc dựa vào hình thức. Loa hát karaoke thường được thiết kế kiểu nằm ngang, tối ưu cho việc treo tường. Còn loa nghe nhạc thường dáng dọc, để đặt trên kệ đứng sao cho củ loa ngang với độ cao người ngồi nghe. Mặt khác, loa karaoke được chế tạo thiên về công suất lớn, đáp ứng đột biến nhanh. Còn loa nghe nhạc thiên về sự tinh tế, trung thực.

Về mặt thiết kế, loa hát karaoke thường tập trung vào phần mid-range để tái tạo trung âm – giọng hát cho rõ ràng, mạch lạc. Loa chuyên dụng được bố trí cầu trì để giảm thiểu khả năng cháy driver, bởi tần suất và công suất hoạt động của loa karaoke là rất lớn, nhất là trong hệ thống nhà hàng, quán bar. Tiêu chí đầu tiên của loa karaoke về mặt âm thanh phải kể đến là to, rõ, và bền.

Trong khi đó, loa nghe nhạc thường được xử lý cân bằng cả 3 dải để đáp ứng nhiều gout thưởng thức nhạc khác nhau. Không được thiết kế để chịu công suất quá lớn, nhưng loa nghe nhạc lại được ưu ái sử dụng những linh kiện chọn lọc với độ tinh khiết cao, nhằm đảm bảo độ trung thực, tự nhiên của âm thanh tái tạo. Nếu so với loa karaoke, âm thanh của loa nghe nhạc “hiền” hơn, nhẹ nhàng và tinh tế hơn.

 

Hệ thống nghe nhạc
Hệ thống nghe nhạc điển hình gồm loa, nguồn phát...

Phân biệt về thiết bị phối ghép

Amply hát karaoke dễ khiến người chơi bối rối bởi ma trận các nút xoay chỉnh, và dễ nhận biết bởi có giắc cắm micro, thường được sản xuất ở các quốc gia chuộng hát karaoke như Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam. Amply nghe nhạc lại được chú trọng đến thiết kế hướng đến sự tinh tế và trung thực. Dù công suất amply karaoke có cao gấp nhiều lần thì giá bán của ampli nghe nhạc thường cao hơn.

Về nguồn phát, đầu karaoke thường đa năng hơn, xử lý được cả hình và tiếng, tương thích tốt với các đĩa karaoke chứa tới hàng trăm nghìn bài hát, hay các đĩa CD, DVD phổ biến. Còn đầu CD hay DAC chỉ thiết kế để xử lý âm thanh đơn thuần, thường chỉ chơi được đĩa CD và SACD.

Như vậy, có thể thấy được rất khó để chia sẻ các thành phần trong bộ dàn với nhau. Nếu nhu cầu thực sự cao, một số người chơi đã phải sắm tới 2 bộ dàn để đặt trong cùng một phòng cho 2 mục đích khác nhau.

 

bộ dàn karaoke

 

Một số nhầm lẫn thường gặp giữa hệ thống nghe nhạc và hát karaoke:

• Sử dụng loa nghe nhạc để ghép với ampli karaoke: dễ khiến loa nhanh hỏng, và kết quả đạt được cũng không ấn tượng.

•  Sử dụng đầu CD thông thường để hát karaoke: không làm tăng đáng kể chất lượng âm thanh, nhưng chắc chắn không hiển thị được lời trên màn hình TV, như vậy hát karaoke sẽ khó hơn.

 

Phân biệt về âm thanh

Nếu mang một cặp loa nghe nhạc ra để hát karaoke, người hát sẽ luôn có cảm giác bị hụt hơi vì giọng hát không nổi rõ và vang vọng như khi hát trên loa karaoke chuyên dụng. Ngược lại, khi mang một cặp loa karaoke ra để nghe nhạc, phần lớn, chúng chỉ hợp với những loại nhạc phổ thông, nhạc đại chúng như nhạc dance, nhạc trẻ (thị trường) với nhiều hiệu ứng âm thanh ở dải cao và dải trầm, khó có thẻ cảm nhận được sự tinh tế, độ chi tiết, độ động như trên loa nghe nhạc.

Như vậy, với những bộ dàn 2 trong một vừa nghe nhạc, vừa hát karaoke, người nghe buộc phải chấp nhận đánh đổi lấy một trong hai tính năng chứ không thể đòi hỏi một giải pháp toàn vẹn.